“Cố thủ” chờ Chính phủ ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ nên một số chủ xe đã cố tình chậm đăng ký xe. Vậy hành vi này có bị xử phạt hay không?
Theo Dự thảo Nghị định giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định 10/2022/NĐ-CP về lệ phí trước bạ; Từ 1/2/2025 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ thực hiện theo quy định tại Nghị định 10/2022/NĐ-CP; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Dự kiến Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 1/8 đến hết 31/1/2025.
Tuy nhiên, tại tờ trình mới nhất gửi Chính phủ trong tháng 7 vừa qua, Bộ Tài chính đề xuất phương án cân nhắc không giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Nguyên nhân là do nhiều bộ ngành lo ngại việc giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ vi phạm cam kết quốc tế.
Hiện thông tin chưa được ngã ngũ khiến cả người bán và người mua lâm vào cảnh dở khóc, dở cười. Bán tín, bán nghi, nên không ít chủ xe đã mua ô tô mới nhưng không thực hiện việc đăng ký ngay mà chờ đến đầu tháng 8 mới làm thủ tục để được giảm lệ phí trước bạ.
Điểm b và c khoản 4 Điều 6 Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định về thời hạn đăng ký xe như sau: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, chủ xe phải làm thủ tục thu hồi; trường hợp quá thời hạn trên mà chủ xe không làm thủ tục thu hồi hoặc giao chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe làm thủ tục thu hồi thì trước khi giải quyết cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt đối với chủ xe về hành vi không làm thủ tục thu hồi theo quy định;
Trường hợp chủ xe không làm thủ tục thu hồi sau khi chuyển quyền sở hữu xe thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm liên quan đến xe đó ( nếu có); Sau khi chủ xe làm thủ tục thu hồi, tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định.
Như vậy, pháp luật không quy định cụ thể về thời gian bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký xe sau khi mua xe mới. Nhưng để tránh những rắc rối không đáng có và có thể thuận lợi hơn trong việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông, sau khi mua xe mới, người mua nên làm thủ tục đăng ký xe trong thời gian sớm nhất có thể.
Tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 có quy định các mức xử phạt đối với hành vi này như sau:
Đối với người điều khiển phương tiện
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối người điều khiển xe ô tô (bao gầm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số) (điểm b khoản 4 Điều 16). Bị tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt.
Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số) (điểm c khoản 2 Điều 17).
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển máy kéo (kể cả rơ moóc được kéo theo), xe máy chuyên dùng không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số) (điểm đ khoản 2 Điều 19). Bị tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt.
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thô sơ không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải đăng ký và gắn biển số) (khoản 1 Điều 18).
Đối với chủ phương tiện
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô đưa phương tiện không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số) tham gia giao thông. Bị tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt.
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô. Bị tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gắn biển số nước ngoài không gắn biển số tạm thời (nếu có quy định phải gắn biển số tạm thời).
Như vậy, trường hợp không thực hiện đăng ký xe ô tô sau khi thực hiện các giao dịch mua bán, được tặng cho, phân bổ, điều chuyển hoặc thừa kế, người mua xe có thể sẽ bị phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô khi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định.
Nguồn: Vov.vn